Miền Bắc Việt Nam sở hữu nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và sản xuất công nghiệp của khu vực. Những KCN này không chỉ thu hút đầu tư trong nước và quốc tế mà còn tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm, góp phần vào việc thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
1. Deep C là KCN lớn nhất Việt Nam
Khu công nghiệp DEEP C là một trong các các khu công nghiệp lớn ở Việt Nam được ra đời từ dự án DEEP C Hải Phòng I (trước đây gọi là KCN Đình Vũ) vào năm 1997, là kết quả hợp tác giữa nhà đầu tư Bỉ Rent-A-Port và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng. Hiện nay, DEEP C đã mở rộng thành tổ hợp 5 KCN và 6 cảng biển, tạo nên Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C với tổng diện tích lên đến 3.400 ha.
Trong 26 năm hoạt động, DEEP C đã thành công thu hút nguồn vốn FDI khổng lồ 6,5 tỷ USD với 160 dự án đầu tư thứ cấp đến từ các tập đoàn nổi tiếng như Bridgestone, Idemitsu, Chevron, Knauf,…
Sở hữu thế mạnh về cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển KCN sinh thái, DEEP C là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, hóa chất, thiết bị năng lượng tái tạo, logistic, cơ khí, thực phẩm, đóng gói và nhiều lĩnh vực khác.
2. KCN Nam Đình Vũ (Quy mô: 1.329 ha)
KCN Nam Đình Vũ nằm trong khuôn viên quy hoạch của Khu phi thuế, tại khu phố Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Dự án được thành lập theo Công văn số 180/TTg/CN ngày 01/02/2008, sau đó được phê duyệt mở rộng quy mô lên 1.329 ha.
Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng đến từ các dự án đầu tư đa ngành như cơ khí, sản xuất vật liệu mới, thiết bị điện, linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, hậu cần và kho vận; công nghiệp phụ trợ; và công nghiệp nhẹ,…
3. KCN Yên Phong II – Quy mô: 1.200 ha
Theo quy hoạch ban đầu tại Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/08/2006 của Thủ tướng Chính Phủ, KCN Yên Phong II có diện tích quy hoạch dự kiến là 300 ha. Tuy nhiên, dự án sau đó đã được chấp thuận điều chỉnh loại hình thành Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Yên Phong II với tổng diện tích lên đến 1.200 ha vào ngày 28/6/2007.
Hiện KCN Yên Phong II được quy hoạch thành 03 phân khu A, B và C:
- KCN Yên Phong II-A (1.800 tỷ đồng) – Chủ đầu tư: Công ty cổ phần hạ tầng Western Pacific.
- KCN Yên Phong II-B (2.358 tỷ đồng) – Chủ đầu tư: Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh.
- KCN Yên Phong II-C (2.234 tỷ đồng) – Chủ đầu tư: Tổng công ty Viglacera – CTCP.
4. KCN Amata Sông Khoai (Quy mô: 714 ha)
KCN Sông Khoai đã nhận được chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 29/03/2018. Khu công nghiệp này có diện tích quy hoạch lên đến 714 ha và nằm trong địa giới hành chính của thị xã Quảng Yên, gồm các xã và phường như Sông Khoai, Minh Thành, Đông Mai, và Cộng Hòa.
Dự án được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, công ty con thuộc tập đoàn Amata. Tổng số vốn đăng ký cho việc triển khai dự án này lên đến trên 3.500 tỷ đồng (tương đương 155 triệu USD). Kế hoạch xây dựng Khu công nghiệp Sông Khoai đã được phân thành 5 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Tính tới cuối năm 2023, KCN Sông Khoai đã hoàn thành xây dựng và cho thuê giai đoạn 1 với nhiều dự án đáng chú ý. Nổi bật nhất là Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar 1 và 2 với tổng giá trị đầu tư hơn 800 triệu USD. Ngoài ra, KCN này đang đón thêm 1 dự án của Công ty TNHH AUTOLIV Việt Nam có trị giá lên đến hơn 150 triệu USD.
Xem thêm: 04 Dịch Vụ Và Sản Phẩm Tại KCN Amata City Hạ Long (Sông Khoai)
5. KCN Yên Bình – Quy mô 693 ha
KCN Yên Bình được phê duyệt thành lập ngày 15/10/2012 theo Công văn số 1645/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 200 ha tại tỉnh Thái Nguyên. KCN này tiếp tục được chấp thuận mở rộng quy mô thêm 200 ha vào ngày 12/06/2014.
Cơ sở hạ tầng KCN được đầu tư và quản lý bởi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình. KCN Yên Bình tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch như sản xuất linh kiện điện tử bán dẫn, các thiết bị tự động hóa,…
Hiện tại, KCN Yên Bình đạt tỉ lệ lấp đầy 92% với hơn 30 dự án đầu tư và tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 7,92 tỷ USD. Các nhà đầu tư nổi bật tại đây bao gồm Công ty TNHH SAMSUNG Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty Hansol Electronics Việt Nam, và nhiều nhà đầu tư khác từ Hàn Quốc và Trung Quốc.