Ngày 31/02/2025, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư lên đến 1,1 tỉ USD và 01 doanh nghiệp thoả thuận đầu tư mở rộng với số vốn tăng thêm 260 triệu USD.
Với 7/14 dự án trong nước được trao giấy chứng nhận là dự án công nghệ cao, thể hiện sự nỗ lực của tỉnh Bắc Ninh trong việc thực hiện hoá nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, UBND Bắc Ninh cũng đã tặng bằng khen cho 5 doanh nghiệp thực hiện hiệu quả việc giải ngân với tổng số vốn gần 1,2 tỉ USD.
Ông Vương Quốc Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bày tỏ trân trọng những đóng góp của các doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Ông cho hay: “Tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục giữ vững ngôi đầu về giá trị sản xuất công nghiệp và thứ hai về xuất nhập khẩu, thứ nhất về tỉ trọng kinh tế số/GRDP.”
Hết quý 1-2025 (chưa tính các dự án mới được trao giấy chứng nhận đầu tư), Bắc Ninh đạt 2 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tỉnh luôn đồng hành, xây dựng môi trường cải cách, năng động, sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Từ đó, khối doanh nghiệp tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất xanh, hội nhập quốc tế.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án, tập trung giải ngân cao nhất để đưa nhà máy, dự án vào vận hành sớm, phát huy hiệu quả, phát triển mạnh mẽ.
Trước đó ngày 30-3, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã dự lễ động thổ hai dự án công nghệ cao với tổng mức đầu tư hơn 640 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II (huyện Yên Phong).
Đó là nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam của Công ty CP công nghệ Victory Giant (Trung Quốc) và dự án của Công ty TNHH Green Precision Manufacturing Việt Nam.
Trong đó, Công ty Victory Giant chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất các bảng mạch PCB nhiều lớp, bảng mạch dẻo Rigid-Flex ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo (AI), ô tô năng lượng xanh, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế…
Dự án đầu tư 520 triệu USD của công ty này dự kiến sản xuất 4 triệu m2 sản phẩm, giá trị sản xuất ước tính khoảng 900 triệu USD, thúc đẩy sản xuất bảng mạch in công nghệ chính xác cao tại Việt Nam.
Với thế mạnh thiết kế, sản xuất linh kiện cấu trúc chính xác, Công ty Green Precision Manufacturing kỳ vọng nhà máy hoạt động chính thức vào quý 2-2026 và đạt sản lượng 62 triệu sản phẩm/năm, giá trị khoảng 413 triệu USD.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ./.