Bất động sản công nghiệp miền Bắc đang chứng tỏ sức hút mạnh mẽ, trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ lợi thế cạnh tranh về chi phí, hạ tầng và xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao.
Theo Savills, trong 9 tháng đầu năm 2024, miền Bắc dẫn đầu cả nước với 5,3 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, chiếm 59% tổng vốn FDI đăng ký. Các ngành công nghệ như điện tử, thiết bị điện và ô tô chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư mới, khẳng định vị thế của khu vực trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Miền Bắc sở hữu nhiều lợi thế nổi bật: vị trí địa lý gần các thị trường lớn ở Bắc Á, kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế phía Nam Trung Quốc, chi phí thuê đất cạnh tranh (trung bình 132 USD/m², thấp hơn 28% so với miền Nam) và hệ thống hạ tầng hiện đại. Với 61% mạng lưới cao tốc cả nước, các cảng biển trọng điểm như Hải Phòng, Lạch Huyện cùng sân bay quốc tế Nội Bài, khu vực này đáp ứng tối ưu nhu cầu logistics và vận tải, trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG, Intel và Foxconn đã biến miền Bắc thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, đồng thời mở đường cho các tỉnh cấp 2 như Nam Định vươn lên mạnh mẽ. Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Hà Nội, nhận định: “Miền Bắc đang dẫn đầu nhờ quỹ đất dồi dào, giá thuê hợp lý và hạ tầng giao thông vượt trội. Đặc biệt, các tỉnh như Nam Định, Ninh Bình đang nổi lên như những điểm đến mới, thu hút dòng vốn vào các ngành công nghiệp giá trị cao.”
Nam Định, với vị trí chiến lược phía Nam Hà Nội, đang tận dụng lợi thế về giá đất thấp, lực lượng lao động chất lượng cao (77,8% qua đào tạo) và hạ tầng ngày càng hoàn thiện để đón đầu làn sóng đầu tư. Nếu trước đây tỉnh chủ yếu thu hút ngành dệt may, thì nay, các lĩnh vực công nghệ cao đang dần chiếm lĩnh, hứa hẹn tạo nên sự bứt phá.
Theo quy hoạch đến năm 2050, Nam Định đặt mục tiêu phát triển 42 khu công nghiệp (8.389 ha) và 70 cụm công nghiệp (3.451 ha), kết nối chặt chẽ với các trục giao thông trọng điểm của Đồng bằng sông Hồng. Với chi phí cạnh tranh và tiềm năng phát triển bền vững, Nam Định không chỉ là giải pháp thay thế cho các tỉnh công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Hải Phòng, mà còn là điểm đến chiến lược cho doanh nghiệp muốn tối ưu hóa lợi thế và đón đầu xu hướng.
Sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc, cùng sự chuyển dịch dòng vốn sang các ngành giá trị cao, đang tạo nền tảng vững chắc cho một giai đoạn tăng trưởng mới, đặc biệt tại các địa phương giàu tiềm năng như Nam Định.