Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 5 khu kinh tế (KKT), 23 khu công nghiệp (KCN) và 45 cụm công nghiệp (CCN). Ngoài việc khai thác tiềm năng từ các KKT và KCN hiện hữu, trong năm 2025, Quảng Ninh quyết tâm mở rộng từ 2 đến 4 KCN mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong ngắn hạn và dài hạn.
Tại kỳ họp thứ 25 (kỳ họp chuyên đề) khóa XIV, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết số 259/NQ-HĐND ngày 26/2/2025, bổ sung nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14%. Một trong những giải pháp trọng tâm là triển khai từ 2 đến 4 KCN mới, bao gồm KCN Đông Triều, KCN phía Bắc sân bay Vân Đồn, KCN Hải Hà (giai đoạn 2) và mở rộng KCN Đông Mai.
Trong số này, KCN Hải Hà và Đông Mai đã được đầu tư và đang đề xuất mở rộng quy mô, trong khi KCN Đông Triều (178,31 ha) và KCN phía Bắc sân bay Vân Đồn (450 ha) là hai dự án hoàn toàn mới theo quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn 2050. Hai KCN này được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho các khu vực lân cận.
Để hiện thực hóa kế hoạch, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát quỹ đất quy hoạch, lập danh mục dự án và định hướng thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho hai KCN mới. Nếu sớm kêu gọi được nhà đầu tư trong năm 2025, Quảng Ninh sẽ huy động được nguồn vốn lớn ngoài ngân sách, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế năm nay và tạo đà thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thông minh và chip bán dẫn những năm tiếp theo.
Song song đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng tại CCN Đông Mai (thuộc KKT ven biển Quảng Yên) và CCN Vân Đồn (thuộc KKT Vân Đồn) nhằm đưa vào vận hành trong năm 2025, sẵn sàng đón nhà đầu tư thứ cấp. Tại CCN Vân Đồn, Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn đã hoàn thiện phần lớn hạ tầng chính trên diện tích 52 ha tại xã Đoàn Kết. Tuy nhiên, do vướng mắc liên quan đến đất quốc phòng, việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và tăng sản lượng sản xuất. Tỉnh đang yêu cầu các bên liên quan phối hợp giải quyết triệt để để nâng cao sức cạnh tranh của CCN, đồng thời gia tăng giá trị sản xuất và nguồn thu ngân sách.
Năm 2025, Quảng Ninh xác định các KCN và KKT là điểm nhấn để thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là vốn FDI. UBND tỉnh chỉ đạo tập trung xúc tiến đầu tư vào các thị trường mạnh về công nghiệp chế biến, điện tử, bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời theo dõi sát sao xu hướng thị trường để đón đầu làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng, tối ưu hóa tỷ lệ lấp đầy KCN. Tỉnh cũng chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược nhằm kêu gọi các dự án FDI lớn, công nghệ cao, giải ngân nhanh theo định hướng của Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/1/2025 của Trung ương.
Đặc biệt, tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất và cho thuê đất tại các KCN theo phương châm hoàn thiện GPMB đến đâu, giao đất đến đó. Các chủ đầu tư hạ tầng được yêu cầu khẩn trương san lấp mặt bằng, đảm bảo quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN trong thời gian tới.
Nguồn ảnh : Quảng Ninh Media Group