Thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp tại Hà Nam nói riêng ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp tiềm lực tham gia.
Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp (BQLKCN) tỉnh Hà Nam, tính đến 31/10/2024, toàn tỉnh có 362 dự án FDI thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư với tổng vốn đầu tư 6,27 tỷ USD.
Trong đó, có 89 dự án liên quan đến Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD. Riêng Đài Loan chiếm 54 dự án, với tổng vốn 2,19 tỷ USD; Trung Quốc Đại Lục có 16 dự án và Hồng Kông 19 dự án…
Lý giải sức hút đầu tư tại Hà Nam
Cách Hà Nội chỉ hơn 50 km, Hà Nam được biết đến là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, sở hữu lợi thế kết nối giao thông thông qua Quốc lộ 1A và cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cộng hưởng với các tuyến đường vành đai 3, 4 tạo thành mạng lưới kết nối hoàn hảo phía Nam Hà Nội.
Tỉnh Hà Nam cũng đang không ngừng đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông với việc gấp rút hoàn thiện nút giao Phú Thứ – công trình giao thông 3 tầng hiện đại dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025 hay dự án cầu Liêm Chính giai đoạn 2 đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao khi tuyến đường 68 m thông xe toàn tuyến từ thị xã Duy Tiên – thành phố Phủ Lý – huyện Thanh Liêm.
Việc nâng cấp mạng lưới hạ tầng giao thông kịp thời cùng với hỗ trợ từ việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp đã giúp Hà Nam tạo bước tiến mới cho thị trường bất động sản của tỉnh. Thị trường nhà ở, đất ở tăng trưởng trong bối cảnh giá vàng tăng cao, lãi suất tiền gửi ngân hàng lại thấp, nhiều người dân có xu hướng chọn bất động sản là kênh để đầu tư. Bên cạnh đó, nhu cầu thuê đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tiếp tục tăng cao, góp phần làm tăng giá thuê đất.
Tuy nhiên, so với các khu vực miền Bắc, thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nam có giá cả cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 – 2/3 so với các tỉnh lân cận như Bắc Ninh và Bắc Giang nên có sức hút đầu tư mạnh mẽ và tiềm năng phát triển vượt trội với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đã đầu tư tại Hà Nam như Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, Công ty TNHH Anam Electronics Vietnam (Hàn Quốc), Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC, Công ty TNHH Wistron Infocomm (Đài Loan),..
Cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp
Xây dựng các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ thúc đẩy đầu tư tại Hà Nam. Bên cạnh các khu công nghiệp hiện đại đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng (Cty TNHH Đầu tư và Phát triển KCN Plaschem Hà Nam), Khu công nghiệp Đồng Văn IV (Tổng cty Viglacera), Khu công nghiệp Hòa Mạc (Cty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát) thì tỉnh Hà Nam cũng đã lên dự thảo bổ sung quỹ đất công nghiệp mới.
Theo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến sẽ thành lập mới 10 khu công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng 2.111ha. Theo đó, các khu công nghiệp mới được đề xuất bao gồm: Khu công nghiệp Đồng Văn V & Khu công nghiệp Đồng Văn VI (Cty CP Western Pacific), Khu công nghiệp Kim Bảng I (Cty TNHH Đầu tư Xây dựng Phát triển KCN Kim Bảng)…
Tỉnh Hà Nam sẽ quy hoạch các khu công nghiệp gắn với vùng đô thị, dịch vụ với định hướng thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Các dự án được phát triển và xây dựng bởi các chủ đầu tư khu công nghiệp uy tín với nhiều năm kinh nghiệm như Viglacera, Western Pacific, Hòa Phát… được quy hoạch tổng thể với hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo định hướng chung của tỉnh sẽ tạo ra hệ sinh thái công nghiệp sôi động. Đồng thời, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, chuyên nghiệp, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Hà Nam. Từ đó tạo ra hàng ngàn việc làm, từ lao động phổ thông đến lao động kỹ thuật cao, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư uy tín được kỳ vọng sẽ mang lại mạng lưới các đối tác, khách hàng và nhà đầu tư từ nước ngoài, góp phần kết nối tỉnh Hà Nam với chuỗi giá trị và thị trường quốc tế, không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh mà còn thúc đẩy sự giao thoa về kinh tế, văn hóa với khu vực.
Nguồn: Báo Đầu tư