Năm 2023, Hà Nam nằm trong top 15 tỉnh, thành phố có thu hút đầu tư cao của cả nước và cũng là một trong những địa phương nâng cao được thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Nhiều năm liền, nằm trong top 10 tỉnh có tăng trưởng cao trong cả nước; năm 2024, Hà Nam được đánh giá là địa phương có mức tăng trưởng đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 5 toàn quốc. Đó chính là lợi thế để Hà Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hà Nam: Hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội
Trong những năm qua, Hà Nam đã xác định rõ hợp tác đầu tư là nhiệm vụ then chốt để huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, tài nguyên phong phú, đa dạng, nguồn lao động chất lượng cao và môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, Hà Nam đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết vùng và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với phương châm “hạ tầng giao thông phải đi trước”, Hà Nam đã ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng khung và các tuyến giao thông trọng điểm, có sức lan tỏa để vực dậy những “vùng lõm” và khai thác tối đa thế mạnh của địa phương. Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển giao thông giai đoạn 2021-2025 ước tính khoảng 13.600 tỷ đồng, chiếm 34% tổng vốn đầu tư xây dựng của cả giai đoạn.
Nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai, bao gồm: Nút giao Phú Thứ và đường kết nối; Cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường nối vành đai 4 – vành đai 5; đường bộ song hành quốc lộ (QL) 21; tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 – Vùng thủ đô (giai đoạn 1); đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình… và nhiều tuyến giao thông huyết mạch khác.
Những nỗ lực đầu tư cho hạ tầng giao thông này không chỉ giúp Hà Nam kết nối thuận lợi hơn với các tỉnh thành lân cận, mà còn tạo động lực quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân. Hạ tầng giao thông phát triển sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Nam tiếp tục vươn tới những thành công mới trong tương lai.
Với 8 tuyến quốc lộ (QL1A, QL21A, QL21B, QL38, QL38B, QL70, QL217, QL45) kết nối thuận tiện với các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên…, Hà Nam đang sở hữu một mạng lưới giao thông đường bộ phát triển. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam sẽ có 4 tuyến cao tốc kết nối, bao gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông (tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình); cao tốc Phủ Lý – Nam Định; cao tốc Hưng Yên – Thái Bình và đường Vành đai 5 vùng Thủ đô. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sau khi hoàn thành sẽ tạo thêm “điểm cộng” cho Hà Nam về khả năng kết nối và giao thương kinh tế.
Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, nhận định: “Với một môi trường đầu tư thông thoáng; hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thuận lợi đã tạo sự bứt phá trong thu hút đầu tư của tỉnh nhiều năm qua.” Hà Nam luôn được ghi danh trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư và là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước, với các thứ hạng ngày càng cao.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, từ ngày 1/1/2024 đến 30/11/2024, toàn tỉnh đã thu hút được 89 dự án, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện điều chỉnh tăng giảm vốn cho 65 dự án, với tổng vốn điều chỉnh tăng 370,9 triệu USD (tăng 139%) và 2.091,5 tỷ đồng (giảm 7,5%). Lũy kế đến nay, Hà Nam có 1.259 dự án còn hiệu lực; trong đó, có 413 dự án FDI với số vốn đăng ký 6.667,3 triệu USD và 846 dự án trong nước với vốn đăng ký 182.581,7 tỷ đồng. Hiện, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc đang là những quốc gia có số lượng nhà đầu tư chiếm ưu thế tại các khu công nghiệp (KCN) của Hà Nam.

“Xanh hóa” các KCN để đón dòng vốn FDI
Trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nam được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng hấp dẫn để đón nhận và hấp thụ dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, Hà Nam đã và đang thực hiện tốt những cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa nhằm kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhất. Tuy nhiên, để các “đại bàng” công nghệ chọn Hà Nam làm điểm dừng chân, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Thời gian tới, các KCN phải nâng cao chất lượng, tăng quy mô, hạ tầng đồng bộ hiện đại hơn, bảo đảm môi trường xanh hơn… Đồng thời, cần có các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển xanh và phát triển bền vững, từ đó giúp các nhà đầu tư nắm bắt được định hướng, tự tin hơn khi đầu tư, chuyển đổi xanh cho các dự án KCN. Trong xu thế phát triển chung toàn cầu, nhu cầu chuyển dịch xanh đang ngày càng mạnh mẽ, nếu trước đó còn là một lựa chọn thì nay đó là hướng đi bắt buộc đối với các địa phương và Hà Nam không phải là một ngoại lệ…

Năm 2025, mục tiêu của Hà Nam tiếp tục cải thiện chỉ số PCI và PGI; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11/NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì vậy, thời gian tới, Hà Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch (quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất) theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên kết, bảo đảm phát huy, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế và nguồn lực. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai có hiệu quả dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp; xây dựng bổ sung cơ chế khuyến khích, hỗ trợ theo các tiêu chí cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm, dự án công nghệ cao; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu – phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước theo hướng chuyên nghiệp, chủ động hơn, đúng trọng tâm.
Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam dự kiến sẽ thành lập mới 10 KCN, tổng diện tích khoảng 2.111 ha. Với quan điểm quy hoạch, phát triển các KCN gắn với vùng đô thị, dịch vụ; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, Hà Nam tiếp tục lựa chọn các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp có uy tín và tiềm lực kinh tế như: Viglacera, Western Pacific, Hòa Phát… nhằm đẩy nhanh tốc độ “xanh hóa” các KCN.
Tin rằng, với định hướng, tầm nhìn và tư duy đổi mới cùng quyết tâm chính trị cao, kỳ vọng năm 2025 và những năm tiếp theo, Hà Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư – những “đại bàng” về công nghệ xanh. “Xanh hóa” các KCN sẵn sàng đón dòng vốn FDI không chỉ nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị của thị trường quốc tế, mà còn thúc đẩy sự giao thoa về kinh tế, văn hóa giữa Hà Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: Báo điện tử Hà Nam