Giá đất công nghiệp tại miền Bắc là lợi thế lớn, với mức trung bình khoảng 138 USD/m², thấp hơn 20% so với miền Nam.
Hiện tại ở miền Nam, để thuê được các vị trí chiến lược thuộc các khu vực cấp 1, như Bình Dương hay Thành phố Hồ Chí Minh, giá đất có thể lên tới 300 USD/m2. Trong khi đó, thị trường phía Bắc chỉ có giá trung bình 180 USD/m2 cho các khu vực cấp 1 như Bắc Ninh.
Tại khu vực miền Bắc, với các tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Phòng và Thái Nguyên đang trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất. Bắc Ninh với vị trí gần Hà Nội và cơ sở hạ tầng phát triển, đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia.
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, Bình Dương cũng nổi lên như một trung tâm công nghiệp quan trọng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, miền Bắc vẫn vượt trội hơn về số lượng và quy mô các dự án mới nhờ lợi thế về chi phí, hạ tầng giao thông hoàn thiện…
Theo đánh giá của Savills, cơ sở hạ tầng tại miền Bắc được đánh giá phát triển mạnh, với 10 tuyến đường cao tốc đã hoàn thành và 4 dự án khác đang được triển khai. Trong khi đó, miền Nam có khoảng 7 tuyến cao tốc.
Bà Phạm Thị Thu Trang, Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh Công nghiệp tại Core5 – Indochina Kajima đánh giá: Tại Việt Nam, giao thông đường bộ vẫn là phương thức vận tải chính. Do vậy, khả năng di chuyển thuận lợi từ các khu sản xuất đến các thị trường tiêu thụ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí logistics. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc kết nối khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc càng làm tăng sức hút của miền Bắc đối với nhà đầu tư nước ngoài.
So với miền Nam, miền Bắc quy hoạch nhiều khu kinh tế hơn. Đáng chú ý là khu kinh tế ven biển mới tại Hải Phòng với quy mô hơn 20.000ha. Bên cạnh đó, miền Bắc cũng thu hút đầu tư nhờ tính cạnh tranh về nguồn lao động, khi mức lương trung bình tại miền Nam hiện đang ở mức cao nhất trong cả nước, ghi nhận 9,3 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia cùng nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có tiềm năng lớn, nhưng một trong những thách thức chính vẫn là sự thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao.
Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất. Lực lượng lao động dồi dào tập trung ở miền Bắc, nhưng phần lớn vẫn là lao động có tay nghề thấp. Để khắc phục vấn đề này, việc cải cách giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao tay nghề lao động là cần thiết.
Thời gian tới việc phát triển cơ sở hạ tầng trở thành yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Hiện tại, các dự án hạ tầng đang được triển khai tập trung ở một số khu vực, cần có sự mở rộng và phát triển đồng bộ trên toàn quốc.
Ngoài ra, việc cải thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp và các thị trường tiêu thụ sẽ giúp tối ưu hóa chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng mạnh mẽ sẽ không chỉ hỗ trợ việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa mà còn tăng cường khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Số liệu báo cáo quý II/2024 của Bộ Xây dựng về phân khúc bất động sản công nghiệp cho thấy, công suất cho thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 tại các khu công nghiệp trọng điểm miền Bắc đạt trên 80%, thị trường phía Nam, công suất cho thuê đạt khoảng 90%.
Theo Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), đối với thị trường nhà kho, xưởng xây sẵn, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp miền Bắc đạt khoảng 70% với nhà kho xây sẵn và 85% với nhà xưởng xây sẵn; tại khu vực phía Nam, tỷ lệ này lần lượt đạt khoảng 60% đối với nhà kho và 85% đối với nhà xưởng.
Giá cho thuê đất bình quân tại các khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 5 – 8% so với cùng kỳ năm trước. Đối với loại hình nhà xưởng và kho xây sẵn, giá cho thuê cơ bản ổn định. Theo khảo sát, giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp phổ biến hiện nay là khoảng 3,5 – 5 USD/m2/tháng, giá thuê cho cả chu kỳ thuê khoảng từ 135 – 185 USD/m2/chu kỳ thuê.
Nguồn: Báo Xây Dựng