Đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu có 24 khu công nghiệp và quy hoạch, phát triển mới 31 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn lên 47 cụm…
Theo phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu quy hoạch, phát triển mới 5 khu công nghiệp, để đến năm 2030 có 24 khu công nghiệp được quy hoạch; Phát triển thành lập mới thêm các khu công nghiệp trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp sau năm 2030 là 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 tăng lên quy mô 10.000 ha. Trong đó, ưu tiên phát triển khu công nghiệp mới dọc theo những trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Đối với các cụm công nghiệp, đến năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển mới 31 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm. Đến năm 2050, toàn tỉnh có 51 cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp quy hoạch mới là:
- Cụm công nghiệp Kim Xá 30ha
- Cụm công nghiệp Đại Đồng 75ha
- Cụm công nghiệp làng nghề Yên Phương 45ha
- Cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ 2 quy mô 70ha
- Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Văn 3 quy mô 50ha
- Cụm công nghiệp Duy Phiên 75ha
- Cụm công nghiệp Vân Hội 60ha
- Cụm công nghiệp Xuân Lôi 57ha (nhu cầu dự kiến tăng lên 75ha trong giai đoạn 2031-2050)
- Cụm công nghiệp Văn Quán – Triệu Đề 50ha tại huyện Lập Thạch
- Cụm công nghiệp Thanh Lãng 52,6ha
- Cụm công nghiệp Bá Hiển – Trung Mỹ 50ha
- Cụm công nghiệp Sơn Lôi 56ha
- Cụm công nghiệp Hợp Thành 50ha
- Cụm công nghiệp Yên Chung 50ha
Song song với đó, Quy hoạch tỉnh xác định các ngành công nghiệp sẽ phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Một số ngành công nghiệp định hướng phát triển gồm: sản xuất sản phẩm điện tử sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Về cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại: phát triển trở thành ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ôtô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp…
Chế biến thực phẩm, đồ uống: thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển dự án chế biến thịt các loại (bò, lợn….) và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển ngành chăn nuôi bò, lớn thịt ở khu vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà đầu tư chế biến thực phẩm.
Các nhóm ngành công nghiệp khuyến khích phát triển khác như: chế biến nông, lâm sản, sản xuất được sản phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, thân thiện môi trường…
Được biết, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 6/2/2024. Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh, quy mô 1.236 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Mục tiêu phát triển quy hoạch đến năm 2030, tỉnh sẽ thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao đời sống cho người dân, có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.
Mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường…