Cùng với Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Bắc Giang, Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.
Ngày 7/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên.
Theo quyết định, khu công nghiệp Sông Công II nằm trên địa bàn xã Bá Xuyên và xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần Viglacera Thái Nguyên. Dự án được thực hiện tại xã Bá Xuyên và xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (gồm Khu số 1 và Khu số 2), trong đó:
– Khu số 1: quy mô 175,52 ha nằm trên địa giới hành chính của xã Tân Quang và một phần xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công.
– Khu số 2: quy mô 120,72 ha nằm trên địa giới hành chính của xã Bá Xuyên và một phần xã Tân Quang, thành phố Sông Công.
Dự án thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất với tổng nguồn vốn đầu tư 3.985,47 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 597,82 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Công ty CP Viglacera Thái Nguyên chỉ được thực hiện dự án sau khi việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án và phương án trồng rừng thay thế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, trồng rừng thay thế theo quy định.
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư về việc đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo quy định.
Đồng thời, bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án và có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khác để bù lại đất trồng lúa bị chuyển đổi.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 5 khu công nghiệp tập trung với hơn 300 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, 167 dự án FDI có tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 10,8 tỷ USD và 135 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 17.300 tỷ đồng.
Năm 2023, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt tổng doanh thu 29 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 25,5 tỷ USD, chiếm trên 94% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh. Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp nộp ngân sách nhà nước khoảng 9.500 tỷ đồng, chiếm 48,6% tổng số thu ngân sách toàn tỉnh, đồng thời, tạo việc làm cho hơn trên 85.000 lao động.
Năm 2024, các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt doanh thu quy đổi khoảng 34 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng. Theo đó, Thái Nguyên phấn đấu thu hút thêm 15 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút vốn đầu tư đăng ký mới đạt 500 triệu USD và 4.500 tỷ đồng.
Thái Nguyên là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 75km và là tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước với quy mô tổng cộng hàng chục trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, các Viện Nghiên cứu.
Công ty Viglacera Thái Nguyên chỉ được thực hiện Dự án sau khi: (i) việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất trồng lúa và nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai; (ii) có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp…
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp (4.245 ha đất phát triển khu công nghiệp, 2.057 ha đất phát triển cụm công nghiệp. Trong đó mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp).
Với tổng số điện thoại thông minh được sản xuất tại tỉnh là 102,45 triệu chiếc, chiếm 70,5% tổng số điện thoại thông minh được sản xuất tại Việt Nam, Thái Nguyên là thủ phủ sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, cũng là trung tâm sản xuất điện thoại Samsung hàng đầu trên toàn cầu.
Nguồn: CafeBiz