Nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, mới đây tỉnh Hải Dương đã thông qua Nghị quyết về đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp (KCN) Tân Trường mở rộng với tỷ lệ 1/2.000.
Dự án mở rộng khu công nghiệp Tân Trường tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư trên 1.251 tỷ đồng do CTCP Công nghiệp Tây Bắc làm chủ đầu tư. Song, do gặp nhiều khó khăn, dự án từng rơi vào trạng thái “quy hoạch treo” trong nhiều năm và chỉ chính thức tái khởi động vào năm 2021.
Tuy nhiên, do quy hoạch ban đầu, trước khi dự án được tái khởi động, cần phải tiến hành khảo sát và điều chỉnh lại quy hoạch để phù hợp với các định hướng phát triển mới của vùng, bao gồm huyện Cẩm Giàng và xã Tân Trường.
Nhằm thúc đẩy tiến độ, mới đây Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương đã thông qua Nghị quyết về đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Tân Trường mở rộng với tỷ lệ 1/2.000.
Cụ thể, dự án có tổng diện tích 112,6ha. Ngoài ra, còn 2,77ha quy hoạch khớp nối hạ tầng kỹ thuật với khu vực.
Dẫn tin từ tạp chí Doanh nhân Việt Nam, theo quy hoạch điều chỉnh, phía Bắc dự án giáp tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, phía Nam giáp Quốc lộ 5, phía Tây và Đông giáp đất nông nghiệp và khu dân cư hiện hữu
Toàn bộ diện tích đất thuộc dự án là đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Khu vực này không có các công trình di tích cần bảo tồn, chủ yếu là nhà tạm và lán trại phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các công trình nhà máy sẽ có tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 70%, hệ số sử dụng đất tối đa 2,1 lần. Khu điều hành dịch vụ đặt gần đường trục chính phía Nam (giáp Quốc lộ 5), được xây tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%. Khu dịch vụ tiện ích công cộng bố trí ở phía Tây, cao tối đa 8 tầng, với mật độ xây dựng tối đa 60% và hệ số sử dụng đất tối đa 4,8 lần.
Dự án sẽ xây 2 tuyến đường trục chính: một tuyến chiều dài hơn 1,5km, mặt cắt ngang 32m và một tuyến dài 932m, rộng 51,5m. Giao thông nội bộ sẽ có các tuyến đường rộng 14,5-33m.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành là khu công nghiệp đa ngành, được quy hoạch để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Các ngành nghề trọng điểm gồm: Sản xuất thiết bị điện, điện tử, điện lạnh; sản phẩm công nghệ cao phục vụ ngành điện tử, công nghệ thông tin; chế tạo cơ khí, máy móc và hàng tiêu dùng.